Mắm mực – món rất dân dã giản dị, mang đậm bản sắc miền Trung với hương vị đặc trưng, ăn một lần là nhớ mãi. Vậy bạn đã biết cách làm mắm mực chuẩn vị, thơm ngon hay chưa? Hãy cùng ngoctan khám phá ngay công thức “siêu chuẩn”, đơn giản dễ làm dưới đây nhé!
Mắm mực miền Trung – ăn một lần là nhớ mãi!
Đối với người dân duyên hải miền Trung đầy nắng và gió thì món mắm mực luôn có mặt trong mỗi bữa cơm gia đình, cách làm mắm mực rất đơn giản cũng rất dân dã nhưng hương vị thì nhớ mãi không quên. Hàng năm, thời điểm mùa mực rộ lên thì họ lại tự làm món mắm mực cho cả gia đình cùng thưởng thức. Mắm mực “chuẩn” thường lựa từ những con mực con nhỏ, còn gọi là mực cơm hay mực sữa, mực baby vì kích thước rất nhỏ nên khi muối rất thấm vị. Mực đánh bắt về phải muối ngay khi còn tươi thì mới ngon và mới đúng chuẩn “đặc sản”.
Bàn về độ thơm ngon của mắm mực thì chắc hẳn bạn phải thốt lên “ “Chà, nhà này có mắm mực thơm ác liệt”. Cái ngon và thơm của món ăn rất khó để có thể diễn tả, hương vị đặc biệt thấm đượm trong từng kí ức nếu bạn đã từng được thử qua. Mắm mực có thể ăn sống, dùng đũa gắp từng con mực muối óng ả lên rồi lấy kéo cắt ra từng mẩu nhỏ cho vào chén đã có sẵn gừng, ớt cay cay. Người dân duyên hải gọi nó là ăn mắm “gin”. Không muốn ăn sống thì kho với một ít thịt heo ba rọi ngậy béo, khi ấy con mực sẽ co lại và rất mềm thơm. Trời càng lạnh thì ăn mắm mực lại càng ngon càng hấp dẫn. Một thức quê dân dã nhưng vị ngon ngọt, mặn mặn của biển cả kết hợp chút tê cay nơi đầu lưỡi, đọng lại nơi vị giác. Ôi chao! hương vị ăn một lần mà bạn sẽ nhớ mãi!
Bây giờ, mắm mực đã trở thành một đặc sản nổi tiếng và rất đắt. Mỗi khi có ai đó được tặng một hũ mắm mực làm từ quê miền Trung “chính hiệu “ thì trong lòng không khỏi thấy rất hãnh diện và sung sướng vì sự ưu ái này. Người “sành ăn” mới biết rằng món mắm mực có màu hơi đen do túi mực tiết ra, đây mới đích thực là tinh chất, tinh hoa của con mực tươi. Vì thế nếu bỏ túi mực trước khi muối, con mực trông “bóng bẩy” hơn nhưng độ ngon của mắm và cái vị dân dã có lẽ cũng không được tròn đầy. Nếu bạn chưa có dịp để thử mắm mực đặc sản do chính tay người miền Trung làm, thì cũng có thể học một vài cách chế biến mắm mực tại nhà để thử vị ngon độc đáo của món ăn hấp dẫn này nhé!
Cách làm mắm mực chuẩn vị miền Trung
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 750g mực tươi, nên chọn mực baby, size nhỏ
- Hành lá, tỏi, gừng tươi, ớt xanh
- 5 muỗng canh muối hột
- 1 muỗng canh nước mắm mặn
- 100-120g bột ớt tùy theo khẩu vị của gia đình
- 100-120ml siro ngô
- 2 muỗng canh hạt vừng trắng rang chín
- 1 muỗng canh dầu mè
Các bước làm mắm mực
- Bước 1: Sơ chế mực: Chọn mua mực tươi, ngon nhất là mực baby size nhỏ. Sau đó đem bỏ hết phần mắt và ruột mực, răng mực đi sau khi làm sạch cho vào một cái bát. Tiếp tục, chà sạch phần mực với chanh hoặc muối hột để loại hết phần màng nhớt còn sót lại, khử mùi tanh rồi đem rửa sạch với nước lần hai, dễ ráo.
- Bước 2: Cho mực đã sơ chế vào hộp nhựa sạch rồi trộn với muối, nên rải thêm một lớp muối mỏng lên trên bề mặt của mực. Lưu ý: có thể dùng thêm ít ớt băm nhuyễn.
- Bước 3: Sau khi đã cho mực vào hộp, rửa sạch tay rồi ấn trực tiếp lớp mực xuống để đẩy lớp không khí hoàn toàn ra khỏi hộp. Sau đó, đậy kín nắp hộp lại rồi cho vào tủ lạnh, bảo quản trong 1 tháng.
*Lưu ý khi làm mắm mực
- Hãy chọn mực thật tươi ngon để làm mắm. Mực càng tươi sống mắm càng giòn ngon, có độ thơm và hoàn toàn không bị tanh.
- Ngon nhất là loại mực nhỏ, mực baby có thể để nguyên con với mực lớn bạn có thể cắt miếng vừa ăn trước khi muối để mực ngấm đều, mềm thơm hơn.
- Có thể thay đổi lượng mực và loại muối để vừa ăn, để muối theo tỉ lệ cứ 150g mực tươi đã làm sạch sẽ sử dụng 1 muỗng muối hạt ( muối hột biển). Từ lúc ủ mắm MẮM cho đến lúc mắm chua, mặn và ngon phải mất 10 ngày đến 1 tháng tuỳ theo độ ướp muối mặn, lạt khác nhau. Mực được sơ chế rửa sạch, để ráo, rồi ướp muối theo tỉ lệ 3-1, cứ ba phần mực một phần muối, có thể gia giảm tuỳ theo khẩu vị và muốn nhanh hay chậm. Càng nhiều muối thì mực càng lâu chua và mặn hơn, ít muối thì mực lạt và nhanh chua.
- Một tips nhỏ là mực muối xong đậy nắp thật kín lại để nơi thoáng mát, bạn có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh và khi mực trở màu thì đem phơi một vài nắng, lúc này mực sẽ lên màu rất bắt mắt.
- Đối với mắm mực bạn có thể sử dụng để ăn luôn, sử dụng kèm với cơm trắng, bún, mì gói, thịt luộc đều rất đậm đà và lạ miệng. Cầu kỳ hơn một chút, mắm mực có thể chế biến thành một số món ăn đặc sản rất hấp dẫn bạn nhé.
Một số món ăn ngon với đặc sản mắm mực
Cách pha mắm mực “chuẩn vị”
- Mắm mực ngon
- Tỏi, ớt băm nhỏ
- 2 thìa đường, ½ thìa bột ngọt
- ½ quả dứa băm nhuyễn ( Dứa thơm, vị thanh giúp dịu đi vị mặn của mắm, làm cho mắm vị ngọt rất ngon).
Trộn tất cả các nguyên liệu lại tạo thành hỗn hợp sánh mịn, nêm nếm lại gia vị vằn ăn là đã hoàn thành một chén mắm mực thơm n gon, dậy mùi.
Các món ăn với mắm mực
- Bánh tráng cuốn thịt heo chấm mắm mực: Thịt ba chỉ chọn miếng ngon, mua về rửa sạch với muối loãng sau đó cho vào nồi luộc, bật lửa vừa luộc tầm 20 phút đến khi thịt chín tới. Thái thịt thành miếng nhỏ, chuẩn vị rau sống rửa sạch và sắp vào đĩa. Bánh tráng bạn cuốn thịt heo luộc với rau sống, dưa chuột… rồi chấm vào chén mắm mực vừa pha đảm bảo ngon tuyệt cú mèo.
- Rau bí luộc chấm mắm mực: Với công thức pha mắm mực ngon đã chia sẻ, vị mặn ngọt cay cay chấm với từng cọng rau bí luộc xanh mướt ngon khó diễn tả thành lời. Một món ăn đạm bạc, tươi mát nhưng chứa đựng trong đó rất nhiều hương vị của “cơm nhà” xứ Trung.
- Món bún mắm mực: Mắm mực một món đặc sản và nếu có dịp ghé thăm, nhất định phải thưởng thức hương vị bún mắm mực bạn nhé. Bạn cũng có thể tự làm món bún mắm mực ngay tại nhà để cả gia đình cùng thưởng thức với cách chế biến cũng khá đơn giản . Tỏi , ớt, đường mì chính cho vào cối giã nhuyễn, sau đó trộn phần mắm mực vào . Dưa leo bỏ vỏ, cắt nhỏ trộn với một ít rau sống thái nhỏ. Khi đã chuẩn bị xong mắm mực, rau sống và bún và bạn có thể trộn cùng thưởng thức món ăn dân dã nhưng rất thơm ngon cùng gia đình rồi.
Chế biến mắm mực ăn dần
- Bước 1: Lấy mực trong tủ lạnh ra dùng. Rửa sạch mực.
- Bước 2: Chuẩn vị các loại gia vị. Gừng tươi rửa sạch, cạo bỏ vỏ bên ngoài, rửa sạch băm nhuyễn. Hành lá rửa sạch với nước, thái nhỏ. Tỏi bóc hết lớp vỏ lụa bên ngoài, rửa sạch thái thành từng lát mỏng. Ớt xanh rửa sạch, thái nhỏ.
- Bước 3: Tiến hành làm gia vị để trộn mắm mực. Bạn cho tất cả phần ớt bột (điều chỉnh tùy khẩu vị), nước mắm, siro ngô, dầu mè, ớt, gừng, tỏi, hành lá băm nhuyễn vào trong một cái tô. Khuấy đều tay cho phần gia vị trộn đều, hòa tan vào với nhau.
- Bước 4: Mực sau khi để ráo bạn dùng một tờ giấy thấm khô sạch hết phần nước bám trên mực. Thái mực thành từng miếng mỏng, nhỏ vừa ăn rồi cho hết vào bát gia vị, trộn đều và bóp nhẹ tay để phần mực và gia vị quyện đều với nhau.
- Bước 5: Cho hết phần mực đã trộn vào trong hũ thủy tinh sạch, đậy nắp kín lại rồi cho vào tủ lạnh bảo quản. Khi muốn sử dụng bạn lấy ra dùng ngay mà không cần chế biến lại nhé.
Cách làm mắm mực thực ra cũng không quá khó đúng không nào? Tự tay chuẩn bị một mẻ mắm mực cực thơm ngon để dành ăn trong những ngày lạnh cũng là một gợi ý rất tuyệt vời. Hãy lưu lại ngay công thực trên và chia sẻ với chúng mình về những trải nghiệm thú vị cùng món ngon, dân dã mà lạ miệng này nhé!